Thứ ba, 25/04/2023, 08:12 GMT+7

Ôtô được chạy vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sáng 29/4

Sau lễ khánh thành lúc 8h ngày 29/4, ôtô được đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, giúp thời gian ở TP HCM tới thành phố biển tại Bình Thuận từ 4-5 giờ còn hơn 2 giờ.

Thông tin được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo Thủ tướng sáng 24/4. Với kế hoạch mới, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận) và Mai Sơn - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 29/4 thay vì 30/4 như dự tính trước đó. Việc sớm đưa hai cao tốc vào hoạt động giúp người dân thuận tiện hơn trong đi lại dịp lễ dài ngày sắp tới.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tháng 3/2023 đi qua huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tháng 3/2023 đi qua huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) được lùi thời gian hoàn thành tới ngày 19/5 cùng với tuyến Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) do chưa đảm bảo an toàn hoạt động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các nút giao liên thông, cầu vượt ngang ở cao tốc này chưa xong vì nguồn vật liệu đắp mới được tháo gỡ, một số hộ dân trên tuyến chưa đồng thuận đền bù mặt bằng.

Theo ghi nhận, hiện trên đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới hoàn thành 2/5 nút giao liên thông, còn ba nút giao (Ma Lâm, Chợ Lầu, Đại Ninh) mới xong thảm bêtông nhựa các nhánh nút. Ngoài ra còn 6 vị trí cầu vượt đường dân sinh cạnh tuyến chưa đắp đủ cao độ.

Với việc đưa cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99 km) hoạt động, thời gian ôtô chạy từ TP HCM đến TP Phan Thiết (Bình Thuận) dài gần 200 km được rút ngắn khoảng một nửa so với trước, giúp giảm ùn tắc cho quốc lộ 1.

Trong tổng số 7 nút giao trên cao tốc này, ngày 29/4 chủ đầu tư sẽ đưa ba nút giao vào hoạt động, gồm: nút giao với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai; nút giao với quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai; nút giao Ba Bàu (đường nối từ điểm cuối cao tốc đến quốc lộ 1) thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rút ngắn thời gian từ TP HCM đi TP Phan Thiết. Đồ họa: Khánh Hoàng

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rút ngắn thời gian từ TP HCM đi TP Phan Thiết. Đồ họa: Khánh Hoàng

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Ban đầu, dự án tính hoàn thành cuối năm 2022, song do Covid-19, thiếu nguồn vật liệu phải lùi sang dịp lễ 30/4.

Do thuộc diện đầu tư công, việc thu phí cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, phải chờ quy định mới. Hiện, hai Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính hoàn thiện đề án thu phí sử dụng đường bộ đầu tư công để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, một số cao tốc diện đầu tư công sau khi đưa vào hoạt động đã dừng thu như TP HCM - Trung Lương, hoặc chưa thu phí như Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan. Sắp tới đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khi khai thác cũng chưa thu phí.

Ý kiến bạn đọc