Chỉ còn một tuần nữa, theo dự kiến tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, đi qua 4 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam sẽ khánh thành đi vào khai thác.
Mùa mưa đang đến rất gần, các đơn vị thi công đang chạy đua với thời gian, huy động tối đa phương tiện, công nhân, tăng ca tăng kíp, thi công xuyên lễ, đúng như Thủ tướng Chính phủ nói là “vượt nắng, thắng mưa”, để đưa dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết về đích đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5).
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h; giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh thành 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Việc hoàn thành dự án này để sớm kết nối với tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang - Khánh Hòa và kết nối toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy sáng 29/4, ngay sau lễ khánh thành cao tốc Dầu Giây -Phan Thiết, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đi khảo sát thực địa dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư phải huy động các nhà thầu, tập trung nguồn lực, thi công xuyên lễ, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 19/5. Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải làm nhanh đoạn này mới khai thác hiệu quả các cao tốc liền kề. Hiện nay cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành, do đó phải nhanh chóng hoàn thiện để kết nối dự án đến Nha Trang - Khánh Hòa.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận khẩn trương quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị để khai thác hiệu quả nhất quỹ đất 2 bên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây. Đồng thời quan tâm chăm lo đời sống, tạo sinh kế ổn định cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phải di dời vào các khu tái định cư.
Một tuần nữa, khi vận hành, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ nối liền một dải với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đã thông xe hôm 29/4) qua đó kết nối tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Khánh Hòa, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Đặc biệt Bình Thuận được hưởng lợi nhiều nhất khi cả hai tuyến cao tốc này cùng vận hành. Hạ tầng giao thông kết nối thông suốt sẽ thu hút du khách và các nhà đầu tư. Tuyến cao tốc này cũng hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch của Bình Thuận, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương dọc hai bên tuyến cao tốc. Nhiều cơ hội mới sẽ mở ra, trên nhiều lĩnh vực, cho rất nhiều huyện, thị, thành phố của Bình Thuận. Đúng như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây: Cùng với sân bay đang xây dựng, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.
Cùng về đích với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào dịp 19/5, còn có dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (49 km). Cao tốc này cùng với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024) sẽ giúp Bình Thuận “xích lại gần hơn” các trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch khu vực duyên hải miền Trung.
Để kết nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch xây dựng 4 trục đường kết nối cao tốc này với QL1, QL 28B, cảng quốc tế Vĩnh Tân, trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, các khu công nghiệp, khu du lịch ven biển.
Đồng thời trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa thông xe, các nhà thầu đang khẩn trương thi công 4 nút giao còn lại, dự kiến hoàn thiện vào đầu tháng 6/2023, tạo thuận lợi đi lại cho người dân. Những ngày qua, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thu hút một lượng rất lớn phương tiện lưu thông, giảm ùn tắc cho quốc lộ 1.
Với người dân Bình Thuận, từ lâu quốc lộ 1 đã là nỗi ám ảnh, là “cung đường tử thần” khi tỷ lệ TNGT trên tuyến này hàng năm luôn chiếm trên 50% số vụ TNGT của cả tỉnh, trong đó có nhiều vụ đặc biệt thảm khốc. Khi tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây thông suốt, TNGT sẽ giảm, người dân vui mừng vì từ nay việc đi lại học hành, làm ăn, du lịch, khám chữa bệnh… sẽ nhanh chóng, an toàn, thuận lợi hơn.