Thứ năm, 10/08/2023, 10:16 GMT+7

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân

Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, giải pháp để doanh nghiệp "mặn mà" hơn với nhà ở xã hội... Đây là nội dung được nhiều cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động quan tâm tại Diễn đàn Người lao động năm 2023. Diễn đàn do Văn phòng Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 28/7, tại Nhà Quốc hội.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SWCC Showa Việt Nam (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết: Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, công nhân vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong Đề án một triệu căn hộ.

“Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp. Thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế, gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Đề nghị Quốc hội giám sát và yêu cầu Chính phủ có giải pháp về vấn đề này để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn”, ông Nguyễn Minh Sơn nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết có chương trình thực hiện Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân lao động. Để triển khai Đề án này có nhiều giải pháp liên quan về thể chế, tổ chức thực hiện.

Theo đó, Nghị quyết đã giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đồng thời có các chính sách liên quan đến khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư xây nhà ở xã hội cho công nhân.

Giai đoạn 2021 - 2030, làm sao đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động. Để triển khai thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho các chủ đầu tư, đối tượng có thể mua nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5 - 2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm. Sự hỗ trợ này sẽ giúp cho chủ đầu tư có nguồn vốn đầu tư nhiều hơn cho người lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Các ngân hàng thương mại tích cực triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn trong nguồn cung, thủ tục còn nhiều vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhất là Ngân hàng Nhà nước có các hướng dẫn cụ thể. Ngoài gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng này, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, đã có gói 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội.

Để công nhân an cư lạc nghiệp

Chú thích ảnh

Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Công nhân Đào Thị Loan (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) nêu ý kiến: Nhà ở là một trong những vấn quan tâm, bức xúc của nhiều công nhân lao động. Công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt.

"Gần đây, tôi rất mừng khi được biết Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người người có thu nhập thấp. Nhất là gần đây, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một tin vui đối với công nhân, nhưng tôi vẫn lo lắng các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội", chị Đào Thị Loan chia sẻ.

Vì vậy, chị Đào Thị Loan mong Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Chính phủ, chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Việt Anh (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) cho rằng, cách đây mấy chục năm, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân, nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến bây giờ, đất nước đã phát triển hơn nhưng rất nhiều khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân nhưng nhà chung cư chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà chật hẹp, không đảm bảo an toàn.

"Tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm vấn đề này, bởi nếu  được quan tâm, họ sẽ an cư lạc nghiệp, có năng suất lao động tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước", ông Nguyễn Việt Anh đề xuất.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu về chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề chăm lo, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã thể chế hóa trong luật.

Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như: Dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội - đây trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm… Người lao động được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội. Nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp.

Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua Luật này ở Kỳ họp thứ 6.

Làm rõ thêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương không chỉ giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở mà quan trọng là giải quyết có chỗ ở. Do đó, có nhiều hình thức: Xây nhà để bán, cho thuê, nhà lưu trú trong khu công nghiệp, nhà thuê - mua (trả góp).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Chính phủ trình là chủ thể đứng ra làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan nhiều dự án luật nên còn ý kiến khác nhau, do đó sẽ được nghiên cứu, làm rõ để quy định.

Trước ý kiến “trước đây nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân, nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; còn bây giờ rất nhiều khu công nghiệp nhưng vắng bóng các khu chung cư”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây chính là “quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, nếu công nghiệp hóa đi nhanh mà đô thị hóa chậm sẽ thiếu nhà; nếu đô thị hóa nhanh hơn lại có khi dẫn đến những khu chung cư không có người ở. Do đó, hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng quy hoạch tỉnh để tích hợp hài hòa.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở đang được sửa đổi quy định rõ nguồn lực, trách nhiệm các bên đóng góp xây dựng quỹ nhà ở xã hội.

Phan Phương (TTXVN)